“Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 11.361.938 triệu đồng, đạt 52,74% so tổng dự toán 2022 và bằng 206,73% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 2.179.852 triệu đồng, đạt 72,03% so tổng dự toán 2022 và bằng 162,62% so với cùng kỳ” đó là chia sẻ của đồng chí Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức tại buổi họp mặt kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Viêt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022) và thông tin tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 do Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN TP Thủ Đức chiều 1/7.
Thay mặt lãnh đạo TP Thủ Đức, đồng chí Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đã gửi lời chúc mừng đến tập thể lãnh đạo ban biên tập, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên các báo, đài. Đồng chí Chủ tịch đánh giá cao vai trò, tác động đối với xã hội của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận để xây dựng TP.HCM nói chung, TP Thủ Đức nói riêng ngày càng tốt đẹp hơn.
Đồng chí Hoàng Tùng gửi lời cảm ơn các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã luôn quan tâm, đồng hành gắn bó, chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thủ Đức và mong muốn thời gian tới các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, phản ánh sinh động, đầy đủ, chính xác, kịp thời mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đảm bảo phục vụ cho sự phát triển TP Thủ Đức trong tương lai.
Tại buổi họp mặt, đồng chí Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng thông tin tóm tắt tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trong có có nhiều điểm sáng nổi bật.

Đồng chí Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thông tin tóm tắt tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 tại buổi họp mặt.
1. Về lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách
Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thu ngân sách tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định; giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ TP Thủ Đức quản lý (giá thực tế) thực hiện là 47.982,4 tỷ đồng, tăng 28,53% so cùng kỳ (37.330,68 tỷ đồng), đạt 60,68% kế hoạch năm 2022 (79.070 tỷ đồng); ngành công nghiệp là 17.169 tỷ đồng, tăng 7,86% so cùng kỳ (15.917,62 tỷ đồng), đạt 49,68% kế hoạch năm 2022 (34.560 tỷ đồng). Về doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh: có 3.795 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 20,7% so cùng kỳ), cấp mới 2.295 giấy đăng ký hộ kinh doanh (tăng 13,2% so cùng kỳ).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 11.361.938 triệu đồng, đạt 52,74% so tổng dự toán 2022 và bằng 206,73% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 2.179.852 triệu đồng, đạt 72,03% so tổng dự toán 2022 và bằng 162,62% so với cùng kỳ. Tổng chi thường xuyên ngân sách TP Thủ Đức ước thực hiện là 1.219.491 triệu đồng, đạt 40,30% so tổng dự toán 2022 và bằng 118,96% so với cùng kỳ. Đến ngày 13/6/2022, đã giải ngân 161,360 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17,06% so kế hoạch giao.
2. Về công tác quản lý đô thị, tài nguyên môi trường
Công tác quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên môi trường tiếp tục được quan tâm tập trung chỉ đạo thường xuyên, nhất là những nội dung phục vụ cho công tác lập Đồ án Quy hoạch chung và giảm ngập cho TP Thủ Đức đảm bảo theo tiến độ chỉ đạo của Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ chức thực hiện các nội dung lập đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040. Xây dựng Kế hoạch để triển khai, thực hiện Đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, rà soát và đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 phục vụ công tác lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát Lái - Phú Hữu - cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Vành Đai 3. Phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh về các cầu bộ hành tuyến Metro số 1... Hiện nay, TP Thủ Đức đã và đang triển khai cấp phép xây dựng trực tuyến 100%.
Rà soát và kiến nghị Sở Tài chính xem xét, trình Ban Chỉ đạo 167 Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương bán đấu giá 25 địa chỉ nhà, đất[1]; Rà soát các mặt bằng, đề xuất thu hồi nhà, đất công do các Công ty TNHH MTV DVCI quận 2, 9, Thủ Đức cho thuê đã hết hạn hợp đồng, các trường hợp người dân chiếm dụng đất trên địa bàn TP Thủ Đức với tổng số lượng là 439 địa chỉ nhà, đất công; Rà soát, báo cáo phương án xử lý, sắp xếp trụ sở dôi dư sau sáp nhập, di dời.
Tiếp tục tập trung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố và các kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thành phố liên quan Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao.
3. Về công tác quản lý các hoạt động văn hóa – xã hội
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá xã hội được tăng cường chỉ đạo thực hiện và duy trì thường xuyên. Triển khai tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện, các ngày lễ lớn trên địa bàn. Xây dựng nhiều phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch COVID-19 biến thể Omicron trên địa bàn. Tổ chức đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục khi học sinh đi học trở lại. Thực hiện chu đáo công tác chăm lo, thăm hỏi các gia đình chính sách có công và các hoạt động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; đảm bảo chính sách an sinh xã hội đối với diện chính sách, có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, các trường hợp khó khăn trên địa bàn.
Phước AN