Triển khai thực hiện Kế hoạch số 2649/KH-UBND ngày 16/6/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 12/4/2024, theo đó tập trung phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số với việc phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng; triển khai mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số và thanh toán số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về kinh tế số, sáng ngày 30/7, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức phối hợp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là Viện nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về kinh tế số với chủ đề “Kinh tế số - Động lực phát triển thành phố Thủ Đức” cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Đồng chí Nguyễn Trần
Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin thành phố Thủ Đức
tặng hoa cảm ơn Tiến sĩ Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và
Quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Kim Đức, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Tư vấn Phát
triển vùng – Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh.
Hội nghị cung cấp thông tin kiến thức kinh tế số, chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số để thống nhất nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Thủ Đức trong công tác quản lý, đặc biệt nắm bắt thực tiễn cơ hội, thách thức tác động kinh tế số và hiểu rõ về các xu hướng công nghệ, các chính sách và quy định liên quan để có thể tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin thành phố Thủ Đức cho biết: Kinh tế số mở ra triển vọng to lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao đối với năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tại các đơn vị và đề nghị các đồng chí tham dự hội nghị, mạnh dạn trao đổi các thắc mắc, từ đó đề xuất các ý tưởng, giải pháp, sáng kiến triển khai thí điểm, phục vụ công tác quản lý, cải cách hành chính tại đơn vị một cách cụ thể và hiệu quả mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho xã hội. Với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng và tinh thần đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng một nền kinh tế số phát triển, hiện đại và bền vững – phát triển thành phố Thủ Đức sáng tạo, tương tác cao.
Chia sẽ tại hội nghị, Tiến sĩ Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý đã trình bày khái quát chung về kinh tế số, kinh tế số từ góc nhìn của phát triển đô thị thông minh, xu hướng nghiên cứu kinh tế số của một số quốc gia, hệ sinh thái kinh tế số, các thách thức, chiến lược phát triển kinh tế số và kinh nghiệm quốc tế, …
Tiến sĩ Nguyễn Kim Đức, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Tư vấn Phát triển vùng chia sẻ về lộ trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam và TP.HCM, cách đo lường và những yêu cầu cơ bản đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ trong môi trường kinh tế số hiện nay.
Hội nghị tập huấn nhấn mạnh vai trò đặc biệt của kinh tế số trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang mang lại nhiều thay đổi cơ bản, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, trong đó phải kể đến sự bứt phá trong cải cách hành chính, chuyển đổi số thực hiện chính quyền điện tử trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết để phát triển thành phố Thủ Đức, phát triển chính quyền số đủ mạnh, thông suốt, thủ tục hành chính gọn nhẹ, nhanh chóng trong môi trường kinh tế số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.