MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ DÂN SỐ
(Trích Luật Bình đẳng giới năm 2006, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh dân số, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế)
PHẦN I. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI
I. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Luật Bình đẳng giới quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.
II. Đối tượng áp dụng (Điều 2)
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, gia đình và công dân Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân).
2. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
III. Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới (Điều 7)
1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.
3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước. (xem hướng dẫn chi tiết tại Điều 19 Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009))
IV. Bình đẳng giới trong gia đình (Điều 18)
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
V. Trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới (Điều 33)
1. Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.
2. Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình.
3. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.
4. Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.
VI. Trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới (Điều 34)
Công dân nam, nữ có trách nhiệm sau đây:
1. Học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới;
2. Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới;
3. Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới;
4. Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và công dân.
VII. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm (Khoản 7 Điều 40):
1. Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;
2. Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.
VIII. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình (Điều 41)
1. Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
2. Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.
3. Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.
4. Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lý do giới tính.
5. Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.
IX. Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới (Điều 42)
1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
PHẦN II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ DÂN SỐ
I. Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh dân số bao gồm:
1. Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi.
2. Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm, ....
3. Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.
II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ DÂN SỐ (trích Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế)
1.Vi phạm các quy định về chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi (Điều 98)
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 98.
2. Vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi (Điều 99)
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;
+ Cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;
+ Nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 99;
+ Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 99.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy dụng cụ, thuốc, vật tư đã được sử dụng để thực hiện./.