Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu. Cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là những người đem đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tuyên truyền, giải thích để dân hiểu và cũng là người biết tổ chức, chỉ dẫn cho dân thi hành tốt đường lối đó.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, công dân có thể tham gia quản lý Nhà nước và xã hội theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức dân chủ đại diện.
Công dân thực hiện quyền của mình thông qua đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Công dân thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài để quản lý Nhà nước và xã hội. Khi được bầu là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người đại biểu phải liên hệ mật thiết với cử tri. Công dân có quyền phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan hành pháp, các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của Nhà nước. Các cơ quan này có trách nhiệm trả lời trước dân vì những cơ quan này đều gián tiếp được Nhân dân trao quyền. Hiến pháp năm 2013 quy định: Đảng phải liên hệ mật thiết với nhân dân, phục vụ Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Vì thế nhân dân có quyền giám sát Đảng.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tập trung trên 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng là phải lãnh đạo thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đảng giới thiệu những cán bộ, đảng viên ưu tú, có đủ trình độ, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” để người dân lựa chọn làm đại biểu cho mình. Từ những đại biểu trúng cử, Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục lựa chọn ra đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước ở các cấp. Như vậy là đã có sự kết hợp giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước các cấp. Những cán bộ này có trách nhiệm nặng nề, vừa mang sứ mệnh được người dân ủy quyền để quản lý họ, chịu sự giám sát của họ, song vừa phải thực hiện nhiệm vụ, thực hiện trọng trách do tổ chức Đảng ủy quyền, giao phó.
Với ý nghĩa đó, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 phải lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngay sau Đại hội nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo, quản lý xã hội, đồng thời góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống.
Việc xây dựng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân” là yêu cầu bức thiết, là đòi hỏi hết sức khách quan, đáp ứng thực tiễn công cuộc đổi mới toàn diện của nước ta. Chính vì vậy, tổ chức tốt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là góp phần thiết thực vào việc xây dựng chính quyền Nhà nước ngày càng vững mạnh.
Tác giả: Phòng Văn hóa và Thông tin