Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội, cũng như kết quả thực hiện công tác đặc xá, tình hình thực tế của công tác thi hành án phạt tù trong thời gian qua; theo đề nghị của Chính phủ, ngày 30/7/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã ký Quyết định số 758/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024.
Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách quan tâm sâu sắc đến những phạm nhân và những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, an tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, góp ích cho gia đình và cho xã hội.
1. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù
Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.
Thông tư số 10/2024/TT-BCA ngày 15/3/2024 của Bộ Công an quy định về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù của lực lượng Công an nhân dân.
2. Quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật
2.1 Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng
Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/04/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù.
Nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng theo Điều 3 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP như sau:
- Thực hiện đúng quy định của Nghị định 49/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
- Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù.
2.2 Quyền của người đã chấp hành xong án phạt tù
Việc bảo vệ quyền của người đã chấp hành bản án có ý nghĩa quan trọng, mang tính đặc thù về yếu tố chính trị, pháp lý, xã hội trước mắt và lâu dài đối với công dân.
Theo Khoản 2 Điều 46 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt tù, tù nhân sẽ được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của pháp luật để trả tự do cho phạm nhân:
- Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù cho người đã chấp hành xong án phạt tù;
- Cấp khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng;
- Cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc;
- Trả lại đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tiền, tài sản khác mà phạm nhân đã gửi tại nơi chấp hành án phạt tù quản lý.
Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù thì được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh.
Các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng sẽ thực hiện các công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân theo các quy định tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP như:
- Được tư vấn, trợ giúp về tâm lý;
- Được hỗ trợ các thủ tục về mặt pháp lý;
- Được đào tạo và nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm;
- Được định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm;
- Được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam cho phạm nhân khi tái hòa nhập cộng đồng;
- Được hỗ trợ về mặt thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng
- Được thông báo phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù
- Được đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
- Được quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xóa án tích khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi có nhu cầu.
2.3 Nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù
Người đã chấp hành xong hình phạt tù để tái hòa nhập cần có sự chuẩn bị về tâm lý và nghề nghiệp để tự nuôi sống bản thân mình. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào công tác giáo dục, cải tạo tại trại giam, đặc biệt là các cán bộ quản giáo. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng sẽ phải diễn ra ngay từ khi ở trong trại giam, trong quá trình lao động, cải tạo của chính người đang chấp hành hình phạt tù. Họ phải tự nhận thức được lỗi lầm của mình và tích cực cải tạo, học tập để từ đó quyết tâm thay đổi bản thân trở thành người có ích cho xã hội. Vấn đề học nghề trong trại giam cần có định hướng cụ thể để sau khi trở về với cuộc sống đời thường, họ có thể tiếp tục làm nghề được học để tạo thu nhập nuôi sống bản thân. Cụ thể về nghĩa vụ của người đã chấp hành xong án phạt tù khi tái hòa nhập cộng đồng như sau:
- Phải trở về nơi cư trú và xuất trình Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù hoặc Giấy chứng nhận đặc xá với ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị công tác cũ theo đúng thời gian quy định.
- Phải chịu sự quản lý, giáo dục, giám sát của chính quyền địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội và nhân dân nơi cư trú, công tác, học tập trong thời gian chưa được xóa án tích.
- Phải định kỳ báo cáo kết quả chấp hành pháp luật và việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ dân sự (nếu có) với chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đơn vị nơi cư trú, công tác, học tập.
- Phải tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù
Từ điều 09 đến điều 12 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/04/2020, quy định một số quyền lợi của người chấp hành xong án phạt tù như sau:
3.1. Về thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng
- Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.
- Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau:
+ Tuyên truyền về những Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù;
+ Tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật;
+ Tuyên truyền về một số Biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;
+ Nhân tố tích cực tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu;
+ Các nội dung khác có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.
- Về hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục:
+ Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng internet, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan;
+ Phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền;
+ Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng, tư vấn, giáo dục cá biệt do báo cáo viên, tuyên truyền viên, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức;
+ Thông qua các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, sáng tác văn học, nghệ thuật;
+ Các hình thức thông tin, truyền thông giáo dục khác.
3.2. Được trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý
- Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội.
- Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia tố tụng dân sự, hành chính; khi thực hiện các giao kết hợp đồng dân sự; làm thủ tục đề nghị Tòa án ra quyết định xóa án tích, đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.
3.3. Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho
- Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.
- Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
- Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.
3.4. Một số biện pháp hỗ trợ khác
- Người chấp hành xong hình phạt tù được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng của Nhà nước; được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế theo quy định của các luật thuế có liên quan và văn bản hướng dẫn thi hành.