1. Đặc điểm dịch tễ học
Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát
hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy
nhiên, hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những
vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bệnh bạch hầu là bệnh
nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở
trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh
lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch
tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt
hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh
không đảm bảo.
Nguồn truyền nhiễm
- Ổ chứa: ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang
vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
- Thời gian ủ bệnh: từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.
- Thời kỳ lây truyền: thường không cố định. Người bệnh đào thải vi
khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây
truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang
vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần. Điều trị kháng sinh có hiệu
quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền.
Đường lây truyền
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người
bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc
với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Tính cảm nhiễm và miễn dịch
- Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo
vệ cho trẻ trước 6 tháng tuổi.
- Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu.
- Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ
thể được miễn dịch lâu dài.
2. Định nghĩa
2.1. Ca bệnh xác định
Ca xác định Bạch hầu là ca bệnh được phân lập vi khuẩn bạch hầu dương
tính từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng.
2.2. Ca bệnh nghi ngờ
Ca bệnh có triệu chứng viêm thanh quản hoặc viêm hầu hoặc viêm amidan
có giả mạc dính tại amidan, hầu và/hoặc mũi:
2.3. Ổ dịch: Hiện nay một ca nghi ngờ
bạch hầu phải được xem như 1 ổ dịch.
- Điều tra dịch tễ trong vòng 24 giờ tất cả các ca nghi ngờ được thông
báo từ nhiều nguồn về địa phương.
- Triển khai các biện pháp chống
dịch khi có ca bệnh bạch hầu.
- Thực hiện báo cáo theo dõi ổ dịch hàng ngày về Trung tâm Y tế thành
phố Thủ Đức và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố.
2.4. Ổ dịch chấm dứt: khi không ghi nhận trường
hợp mắc mới, ca bệnh được xét nghiệm 2 lần âm tính, nếu không có điều kiện xét
nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
3. Biện pháp chống dịch khi có ca bệnh
bạch hầu
3.1. Cách ly
Thời gian cách ly:
- Cách ly nghiêm ngặt đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu họng, tránh
tiếp xúc với bạch hầu da đến khi có kết quả 2 lần xét nghiệm vi khuẩn âm tính
đối với mẫu bệnh phẩm lấy từ họng, mũi hoặc da bị tổn thương.
- Nếu không có điều kiện xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14
ngày điều trị kháng sinh.
3.2. Quản lý người tiếp xúc
- Định nghĩa người tiếp xúc: người tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu
với bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào trong vòng 14 ngày trước kể từ ngày khởi bệnh
hoặc trong thời gian lây nhiễm kể từ ngày khởi bệnh.
- Tích cực tìm kiếm, phát hiện và lập danh sách các trường hợp tiếp xúc
gần với bệnh nhân, đặc biệt các thành viên trong hộ gia đình và những người
tiếp xúc trực tiếp. Đánh giá theo dõi sự xuất hiện các triệu chứng bệnh trong
vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối với bệnh nhân.
- Điều tra tiền sử tiêm chủng tất cả các trường hợp tiếp xúc, thực hiện
tiêm bổ sung cho những trường hợp chưa tiêm đầy đủ.
- Lấy mẫu bệnh phẩm hầu họng các trường hợp tiếp xúc chuyển về Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tất cả các trường hợp trên phải điều trị một đợt kháng sinh dự phòng.
Trường hợp có triệu chứng lâm sàng chuyển ngay đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để
được chẩn đoán và điều trị.
- Nếu xét nghiệm dương tính phải điều trị kháng sinh, giám sát và điều
tra người tiếp xúc như đối với ca bệnh; xét nghiệm lại sau 2 tuần để chắc chắn
không còn vi khuẩn bạch hầu.
3.3. Xử lý môi trường
Khử khuẩn phòng ở, nơi sinh hoạt, vật dụng, đồ dùng cá nhân bằng dung
dịch Javel hoặc Choramin B nồng độ 0,1% (tương đương 4g bằng 1 muỗng cafe/lít
nước).
4. Kiểm soát ổ dịch
4.1. Ổ dịch có nguy cơ bộc phát: khi xác định 01 ca bệnh bạch
hầu tại địa phương, xác định nguồn nhiễm là nơi khác thực hiện một số biện pháp
can thiệp sau:
- Truyền thông và tổ chức tiêm vắc xin trên phạm vi rộng cho trẻ chưa
tiêm hoặc tiêm không đủ mũi tiêm (căn cứ trên tiền sử tiêm chủng của từng trẻ).
- Truyền thông các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc cho mọi người
tại nơi ở, học tập và làm việc.
4.2. Ổ dịch bộc phát: khi xác định 01 ca bệnh bạch
hầu tại địa phương mà không xác định nguồn nhiễm có xuất xứ từ nơi khác. Các
biện pháp can thiệp:
- Điều tra, tìm kiếm tích cực ca bệnh mới tại cơ sở y tế và trong cộng
đồng, đặc biệt nơi bệnh nhân sinh sống, làm việc và học tập.
- Thực hiện nghiêm cách ly ca bệnh và quản lý chặt chẽ người tiếp xúc.
- Triển khai hoạt động phòng chống lây tại nơi bệnh nhân sinh sống, làm
việc và học tập như: lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ, vệ sinh khử
khuẩn, hóa dự phòng cho người tiếp xúc….
- Truyền thông và tổ chức tiêm vắc xin trên phạm vi rộng cho trẻ chưa
tiêm hoặc tiêm không đủ mũi tiêm (căn cứ trên tiền sử tiêm chủng của từng trẻ).
- Truyền thông các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc cho mọi người
trong phường có ca bệnh.
5. Phòng bệnh bạch hầu
Phòng bệnh chủ động: tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp
phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc
xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm nhắc lại định kỳ
theo nhóm tuổi để năng cao hiệu quả phòng bệnh.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII trong Chương
trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Những biện pháp dự phòng hạn chế lây lan
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi;
giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh
hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Vệ sinh nhà cửa, nơi học tập và làm việc sạch sẽ, thông thoáng đủ ánh
sáng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và ca nghi ngờ mắc bệnh.
- Người dân trong ổ dịch nghiêm túc uống thuốc dự phòng và tiêm vắc xin
phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
- Khi có dấu hiệu mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly để được
khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Hóa dự phòng cho người tiếp xúc
- Cho tất cả, kể cả người tiêm chủng đầy đủ.
- Kháng sinh dự phòng (penicillin, Erythromycin…).
+ Erythromycin: Trẻ em: 40mg/kg/ngày.
Người lớn: 1 gram/ ngày
Uống 7 ngày, 4 lần/ ngày.
+ Có thể sử dụng kháng sinh Clarithromycin hoặc Azithromycin.
- Người tiếp xúc cấy vi khuẩn (+) điều trị như người bệnh, người trong
gia đình hóa dự phòng.