
Thực hiện chỉ đạo của Cục Phòng bệnh, để chủ động phòng, chống cúm A(H5N1), hạn chế tối đa nguy cơ lây truyền từ động vật sang người, Sở Y tế Tp. Đà Nẵng đã Sở Y tế Đà Nẵng đã ban hành văn bản chỉ đạo toàn ngành Y tế địa phương tăng cường chủ động trong công tác phòng, chống cúm A(H5N1), với các nội dung trọng tâm:
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp cùng các Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế, đặc biệt là các đối tượng đến từ vùng có dịch. Việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý kịp thời sẽ được thực hiện theo đúng quy trình nhằm ngăn chặn sự lây lan.
Đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch
Công tác thông tin, tuyên truyền được xác định là một trong những biện pháp hiệu quả giúp nâng cao nhận thức người dân. CDC và các cơ sở y tế phối hợp với chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp để truyền thông đến người dân tại các khu vực có nguy cơ cao – nơi có gia cầm ốm, chết bất thường – về cách nhận biết triệu chứng cúm, biện pháp bảo vệ và vai trò của người dân trong phòng chống dịch.
Sẵn sàng về cơ sở vật chất và nhân lực
Ngành y tế đã yêu cầu CDC và các TTYT rà soát và chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế, hóa chất khử khuẩn, thuốc men, thiết bị y tế cũng như nguồn nhân lực để đảm bảo ứng phó kịp thời khi có ca bệnh hoặc ổ dịch xuất hiện. Các cơ sở khám chữa bệnh cần chuẩn bị sẵn phương án thu dung, cấp cứu, điều trị, đặc biệt chú trọng bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người mắc bệnh nền….
Phối hợp liên ngành và kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu
Công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu được siết chặt, bảo đảm phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm cúm nhập cảnh. Ngành y tế cũng phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để cập nhật thông tin dịch bệnh trên gia cầm, nhằm có phản ứng nhanh và hiệu quả khi dịch lây lan sang người.
Tăng cường điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện
Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố phải thực hiện nghiêm quy trình sàng lọc, phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo tuyến, hội chẩn chuyên môn, chuyển tuyến đúng quy định, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa tử vong.
Cúm A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong cao nếu không được kiểm soát. Sự chủ động, phối hợp và cảnh giác cao độ của toàn ngành y tế cùng sự đồng lòng, hợp tác của người dân chính là "vắc xin" hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Hãy cùng nhau hành động ngay hôm nay vì một cộng đồng khỏe mạnh, an toàn, bằng những hành động sau:
Biểu hiện của người bệnh nhiễm cúm A (H5N1)
Các dấu hiệu sớm ở người nhiễm cúm A(H5N1) thường bắt đầu trong vòng 2 – 5 ngày kể từ ngày bị nhiễm, bao gồm: Sốt cao đột ngột (trên 38 độ C); đau ngực; khó thở; kèm theo các biểu hiện khác như đau họng; ho khan; đau đầu; đau nhức cơ; Mệt mỏi rã rời… Bệnh cúm A(H5N1) diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Không ăn các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
5. Không tiếp xúc, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm ốm, chết bất thường.
6. Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang tại nơi đông người.
7. Chủ động khai báo y tế khi về từ vùng có dịch.
8. Không lan truyền thông tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng.
