Chiều nay ngày 13/4, đoàn công tác của UBND TP Hồ Chí Minh do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức. Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành TP Hồ Chí Minh. Về TP Thủ Dức có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hiệp, UVBTV Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thủ Đức; Nguyễn Phước Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, Phó Bi thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức; Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; các đồng chí UVBTV Thành ủy Thủ Đức; lãnh đạo các phòng ban, đơn vị và các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn TP Thủ Đức…
Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đã báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức trong Quý I năm 2023. Qua đó, đồng chí kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, chấp thuận chủ trương giao UBND TP Thủ Đức tổ chức điều chỉnh Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 khu dân cư Long Thạnh Mỹ (khu 2) phường Long Thạnh Mỹ, Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư phường Tân Phú – Long Thạnh Mỹ và các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 khác có liên quan; nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến nêu trên, đề xuất bổ sung vào trung hạn 2021 - 2025 và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 và thực hiện trong năm 2024 - 2025.
Bên cạnh đó, bổ sung điểm kết nối giữa đường Vành đai 3 tại phường Long Bình. Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm kết nối số 2 và 3 nêu trên cách nhau hơn 7 km, trong đó điểm kết nối số 3 chủ yếu phục vụ Cảng ICD Long Bình. Khu vực phường Long Bình có tốc độ đô thị hóa rất cao, theo Dự án đã được phê duyệt chỉ có thể kết nối vào nút giao Gò Công, không thuận lợi cho việc kết nối giao thông, phát triển đô thị. Do đó, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TPHCM xem xét giao chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu bổ sung thêm điểm kết nối giữa đường Vành đai 3 tại khu tái định cư Long Bình – Long Thạnh Mỹ, thực hiện dự án từ nguồn vốn đã bố trí.
Về đầu tư xây dựng trụ sở UBND phường An Lợi Đông, đồng chí Hoàng Tùng cho biết, việc đầu tư xây dựng trụ sở UBND phường là hết sức cấp bách nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, người lao động và phục vụ nhân dân trên địa bàn phường. Nguồn vốn cho đầu tư xây dựng sẽ do Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh thực hiện theo hình thức "chìa khóa trao tay". Tuy nhiên, hiện nay, UBND TP Thủ Đức đang gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục giao đất và hình thức thực hiện để triển khai dự án.
Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét tạm giao đất cho UBND phường An Lợi Đông và thống nhất chủ trương thực hiện theo hình thức "chìa khóa trao" tay trên tinh thần vận dụng Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Để có cơ sở triển khai các đồ án quy hoạch theo kế hoạch, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho UBND TP Thủ Đức tạm sử dụng nguồn chi khác trong dự toán đã được bố trí trong năm 2023 để triển khai thực hiện ngay khi đề cương nhiệm vụ và dự toán của các đồ án quy hoạch được Sở Quy hoạch – Kiến trúc phê duyệt.
Đối với đầu tư phát triển công viên Cầu Sài Gòn, đồng chí Hoàng Tùng đề xuất cho phép triển khai xã hội hóa đầu tư xây dựng hoặc bố trí công trình trên đất công viên với mật độ xây dựng tối đa là 5% để khai thác theo hình thức thu phí dịch vụ và dùng nguồn phí đó để bổ sung một phần chi phí vận hành, chăm sóc, bảo dưỡng công viên, vận hành nhà vệ sinh công cộng... với định hướng về lâu dài là vận hành các công viên theo hướng "đầu tư tư, quản lý công, quản trị tư".
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Thủ Đức đã thành lập hơn 2 năm nhưng chưa có cơ chế cho hoạt động nên rất khó khăn. Do đó, TP Thủ Đức cần phải bàn sâu một số vấn đề có thể tháo gỡ khó khăn, để phát triển. Đồng cho rằng, TP Thủ Đức hình thành từ 3 quận với mục tiêu là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, là cực tăng trưởng của TPHCM. Muốn thế, phải đầu tư, cần làm rõ TPHCM đã đầu tư cho TP Thủ Đức chưa, đầu tư ra sao, ưu tiên thực hiện hạng mục nào trước...
Đánh giá trước tình hình khó khăn của kinh tế quý I/2023, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị TP Thủ Đức cần giải quyết thủ tục hành chính, tập trung hơn nữa giải quyết khối lượng và đạt chất lượng, hệ thống lại các hồ sơ còn tồn tại lên kế hoạch giải quyết dứt điểm: "Trong quý II/2023, cần giải quyết các tồn đọng có liên quan hồ sơ thủ tục của người dân và doanh nghiệp. Tập trung các dự án có tiềm năng. Khi giải quyết xong dòng vốn chạy tạo ra công ăn việc làm, giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nó giống như đột quỵ, nếu như cấp cứu kịp thời thì vượt qua và sống khỏe" - đồng chí Phan Văn ví von.
Theo đồng chí, nhiều dự án tồn đọng là do vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, vướng mắc. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu từng địa phương giải quyết, không có sự phối hợp đồng bộ của các sở ngành sẽ khó giải quyết. Đồng chí cũng yêu cầu TP Thủ Đức rà soát lại các dự án đầu tư công, để cơ bản đến tháng 6 phải đạt về giải phóng mặt bằng khoảng 70% - 80%... Bên cạnh đó, TP Thủ Đức phải đảm bảo đến cuối năm 2023 giải ngân đầu tư công trên 95% theo chỉ tiêu đề ra.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến trong gói đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, TP Hồ Chí Minh nâng trần khoảng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi quận huyện được phân bổ khoảng 500 tỷ. Riêng TP Thủ Đức là 1.500 tỷ. Do đó, TP Thủ Đức phải lên kế hoạch sử dụng vốn, hồ sơ thủ tục cho đúng. Hiện nay, đang có tình trạng đề nghị cấp vốn xây dựng công trình thiết yếu nhưng khi có vốn, hồ sơ chưa có.
Đối với các đề xuất của TP Thủ Đức, đồng chí Phan Văn Mãi giao các sở ngành xem xét để giải quyết theo thẩm quyền. Đồng chí đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu, để có giải pháp cụ thể. “TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đầu tư để TP Thủ Đức thực hiện sứ mệnh trở thành “Khu đô thị tương tác cao phía Đông”. “Vì đầu tư cho TP Thủ Đức là đầu tư cho TP Hồ Chí Minh” - đồng chí Phan Văn Mãi nhận định.
Đình Quân