Ngày 4/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức khảo sát về “Việc thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, tính đến ngày 30/4/2023, TP Thủ Đức đã cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cho người dân đạt 98%, UBND TP Thủ Đức chỉ đạo Công an TP Thủ Đức phối hợp Phòng Văn hóa – Thông tin TP Thủ Đức và UBND 34 phường tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của UBND các phường (có nội dung tuyên truyền kèm theo về thực hiện Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công). Chỉ đạo lực Lượng Cảnh sát khu vực tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong cuộc họp tổ dân phố về thực hiện Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ, Đề án 06 của Chính phủ, cấp Căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh xác thực điện tử, ứng dụng VNEID…
Đồng chí Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, phát biểu kết luận buổi làm việc.
Kết quả từ ngày 01/7/2021 đến ngày 31/12/2022 đã giải quyết: hồ sơ đăng ký trực tiếp 41.604 hồ sơ, đăng ký thường trú 25.297 hồ sơ, xóa đăng ký thường trú 6.595 hồ sơ, điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu cư trú 9.667 hồ sơ; giải quyết hồ sơ đăng ký trực tuyến (dịch vụ công) 15.699 hồ sơ, đăng ký thường trú 5.948 hồ sơ. Tổng số hồ sơ trễ hạn (trực tiếp và trực tuyến): 6.276 hồ sơ, nguyên nhân đa phần do kết quả trả lời xác minh (CT10) bị trễ so với thời gian quy định hoặc do hệ thống cơ sở dữ liệu bị lỗi mạng. Do đó, cán bộ không xử lý được hồ sơ nên dẫn đến tình trạng trễ hạn trong quá trình giải quyết hồ sơ cư trú.
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, phát biểu kết luận buổi làm việc.
Thay mặt UBND TP Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Kỳ Phùng, UV.BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề xuất và kiến nghị Bộ Công an cần có quy chế phối hợp với các Bộ liên quan thống nhất trong việc sử dụng các phương thức chứng minh thông tin công dân thay thế cho Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy trước đây. Đặc biệt là việc đồng bộ, cung cấp trang thiết bị đọc chip CCCD hỗ trợ việc truy xuất thông tin cá nhân chính xác nhất, thường xuyên bảo trì, nâng cấp hệ thống, khắc phục lỗi đường truyền kết nối, đảm bảo đủ để vận hành, đặc biệt vào giờ cao điểm (giờ hành chính) khi có nhiều người cùng truy cập.
Đồng chí Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề xuất và kiến nghị tại buổi làm việc.
Đồng chí đề nghị tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật và kiến thức, kỹ năng thao tác trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư cho cán bộ trực tiếp làm công tác đăng ký, quản lý cư trú (đối với lực lượng Công an) và cán bộ công chức, viên chức ở các cơ quan chuyên môn, UBND phường có nghiệp vụ cần khai thác dữ liệu cư trú của công dân. Đặc biệt, đồng chí đề xuất các cơ quan chức năng cần trang bị thêm cơ sở hạ tầng bổ sung trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý cư trú và khai thác thông tin cư trú của công dân đảm bảo theo nhu cầu thiết yếu cùa từng đơn vị địa phương.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đánh giá cao công tác tổ chức triển khai việc thực hiện Luật Cư trú, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra, đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức. Đồng chí cũng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của UBND TP Thủ Đức về một số khó khăn, bất cập của Luật để các Đại biểu Quốc hội trong đoàn tiếp tục trao đổi, thảo luận, có ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú trong kỳ họp thứ 5-Quốc hội khoá XIII.
Chí Lộc