Ngày 24/12, Thành ủy Thủ Đức tổ chức chương trình hội thảo mô hình chính quyền đô thị TP Thủ Đức sau 04 năm thành lập và 01 năm thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội tiếp tục ổn định, hiệu quả và phát triển. Chủ trì hội thảo có đồng chí: Nguyễn Hữu Hiệp, UVBTV Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thủ Đức; Trần Quốc Trung, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Đức; Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Ngoài ra, đến tham dự hội thảo còn có các đồng chí: Trần Anh Tuấn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ; TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh; Phó GS.TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… cùng các đồng chí là UVBTV Thành ủy Thủ Đức; lãnh đạo các phòng ban, đơn vị TP Thủ Đức…
TP Thủ Đức từng bước sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức cho biết: TP Thủ Đức là một trong những địa phương là điển hình của TP Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn. Điển hình này được thể hiện ở chỗ TP Thủ Đức là sản phẩm của quá trình sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp huyện của TP Hồ Chí Minh và 4 đơn vị hành chính cấp xã. Và như vậy, từ Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức thành lập thành TP Thủ Đức; sau khi sắp xếp thì TP Thủ Đức là một chính quyền địa phương 01 cấp (nhưng có 2 cấp hành chính, phường không có HĐND). Như vậy, qua 4 năm sắp xếp, đối với giai đoạn từ 2021 - 2023, thì tổ chức bộ máy của cơ quan chính quyền TP Thủ Đức có 12 Phòng (hình thành thêm Phòng Khoa học - Công nghệ); tiếp đó, kể từ tháng 8/2023 thì TP Thủ Đức được Nghị quyết 98 nêu về tổ chức bộ máy cho riêng mình, theo đó hình thành 15 Phòng chuyên môn của TP và 1 Trung tâm Hành chính công có chức năng hành chính (như vậy là 16 Phòng chuyên môn). Khi thực hiện sắp xếp bộ máy, TP Thủ Đức đã góp phần giảm mạnh đầu mối các Phòng của 3 quận, từ 36 Phòng của 3 quận trước đây, hiện nay còn có 16 Phòng của TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, về biên chế, giảm dc 205 biên chế (tỷ lệ khoảng 22%). Song song đó, về kinh tế của TP Thủ Đức ổn định và phát triển ở chiều hướng gia tăng.
“Trên cơ sở những định hướng và trong thực tiễn, TP Thủ Đức mong muốn phát huy các cơ chế, kế hoạch của các cơ quan, phòng ban chuyên môn của UBND TP Thủ Đức hiện nay; thống nhất xây dựng “thành phố trong thành phố” theo mô hình hiện nay là chính quyền địa phương 1 cấp nhưng hành chính 2 cấp (chỉ có HĐND TP Thủ Đức mà ko có HĐND phường); duy trì các phòng ban chuyên môn theo tinh thần của Nghị quyết số 18” - Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết.
Với tinh thần đó, xuất phát từ đặc điểm tình hình, quy mô, tính chất của TP Thủ Đức, TP Thủ Đức vẫn kiến nghị và chấp hành các ý kiến của Trung ương, theo đó về mặt nguyên tắc tổ chức thực hiện, đó là “thống nhất chung nhưng có đặc thù riêng”. Trên cơ sở đó, TP Thủ Đức đặt ra chỉ tiêu giảm 20% các cơ quan Đảng, đồng thời giảm 15% các cơ quan hành chính nhưng vẫn đảm bảo chức năng nhiệm vụ của các phòng sắp xếp, vừa mang tính đặc thù của TP Thủ Đức vừa đảm bảo nguyên tắc về quan điểm được nêu tại Nghị quyết số 18 (một cơ quan làm nhiều việc và một việc chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm chính, với tinh thần cơ sở phải bám sát nhiệm vụ của địa phương, phải đi sâu trong dân cư để kịp thời giải quyết tất cả các nhu cầu của người dân nhanh chóng, kịp thời).
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp cho biết thêm, dự kiến TP Thủ Đức sẽ sắp xếp từ 16 cơ quan, đơn vị hiện nay còn lại 14 cơ quan, đơn vị theo định hướng là chuyển giao các chức năng, hợp nhất Phòng LĐ-TBXH và Phòng Nội vụ; chuyển giao các chức năng của Phòng TNMT, lĩnh vực tài nguyên về Phòng Quy hoạch Xây dựng, lĩnh vực môi trường về Phòng Giao thông Công chính và đổi tên thành Phòng Giao thông Công chánh theo như Đề án định hướng của Sở Giao thông Công chánh.
Mạnh dạn đề xuất những nội dung cần phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức
Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý để phát huy các tiềm năng của TP Thủ Đức, song vẫn còn nhiều vướng mắc. Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã góp ý, xây dựng nhiều ý kiến sát thực để TP Thủ Đức phát triển và thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng Đại học Quốc TP Hồ Chí Minh đặt ra vấn đề: sau sắp xếp, TP Thủ Đức có được đặc thù gì, có được quyền gì so với các quận/huyện khác? Chúng ta được ủy quyền mức độ nào, tự chủ mức độ nào ở các nội dung như quản lý hành chính, xử phạt hành chính, cấp phép xây dựng, quản lý đô thị…? Đồng chí Nguyễn Đình Tứ cũng đề xuất TP Thủ Đức cần mạnh dạn đề xuất những nội dung để phát huy ưu thế của Nghị quyết và xác định rõ mô hình “thành phố trong thành phố” của Thủ Đức.
Dưới góc độ nghiên cứu, đồng chí Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận xét: hiệu quả đầu tiên mà TP Thủ Đức cần giữ vững trong 4 năm vừa rồi, đó chính là hiệu quả “cung cấp dịch vụ công” cho người dân. Bước đột phá là TP Thủ Đức có được Trung tâm Hành chính công, khi Trung tâm Hành chính công ra đời thì cần phải đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội lưu ý TP Thủ Đức thì lưu ý các nguyên tắc sau: trong sắp xếp bộ máy TP Thủ Đức vừa qua, thì điều nào hợp lý, điều nào chưa hợp lý cần phải làm rõ và cái nào cần thêm, cái nào cần bớt để củng cố bộ máy, “cái gì cũng phải từ thực tiễn mà ra” - đồng chí nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, về sắp xếp bộ máy, TS Trần Du Lịch cho rằng TP Thủ Đức cần tiếp tục đổi mới tư duy về phương pháp quản trị, quản lý; đồng thời, phải tiếp tục kiến nghị mở rộng phân cấp, phân quyền cho Thủ Đức theo nguyên tắc “Thủ Đức quyết, Thủ Đức làm, Thủ Đức chịu trách nhiệm”…
Cùng với đó, đồng chí Trần Anh Tuấn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đồng tình với ý kiến của TS Trần Du Lịch về nội dung thay đổi tư duy trong điều hành, quản lý để đáp ứng yêu cầu, chiến lược phát triển của TP Thủ Đức trong tình hình mới. Đồng chí Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh đến nội dung phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức và lưu ý TP Thủ Đức khi xây dựng phương án để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy thì TP Thủ Đức phải đặt mình trong bối cảnh: mô hình chính quyền TP Thủ Đức mới thực hiện trong thời gian gần 1 năm và đang thực hiện các chính sách thí điểm mang tính đột phá, và đặt trong bối cảnh tiếp tục chỉ đạo tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Về biên chế, đồng chí Trần Anh Tuấn cũng đặc biệt lưu ý TP Thủ Đức nên xây dựng chế độ chính sách đối với những nhân sự bị ảnh hưởng, chịu tác động bởi việc tinh gọn bộ máy.
Kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp trân trọng và ghi nhận các ý kiến phát biểu, góp ý từ các chuyên gia, đại biểu để TP Thủ Đức phát triển và tận dụng được những ưu thế từ Nghị quyết 98 mang lại góp phần từng bước hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị TP Thủ Đức theo hướng tinh gọn.