Tối ngày 30/8, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP Hồ Chí Minh, Văn phòng HĐND - UBND và Phòng Tư pháp TP Thủ Đức phối hợp tổ chức truyền thông, trợ giúp pháp lý cho hơn 100 cán bộ, công chức phụ trách công tác chính sách, dân tộc và đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, làm việc trên địa bàn các phường: Phước Long B, Phước Long A, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Trường, Trường Thạnh, Phước Bình, Tân Phú, Hiệp Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, Phú Hữu.
Tại buổi truyền thông, Chủ tịch Hội Luật gia, Báo cáo viên pháp luật TP Thủ Đức Võ Thị Kéo thông tin một số nội dung cơ bản về quyền con người (Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật); Luật Cư trú năm 2020; Luật phòng, chống ma túy năm 2021; Luật tiếp công dân; Luật khiếu nại, tố cáo; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; một số chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số của TP Hồ Chí Minh; các văn bản pháp luật có liên quan Bộ Luật Dân sự năm 2015; Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số...
Cũng tại buổi truyền thông, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tư vấn trợ giúp pháp lý các vấn đề dân sự, hôn nhân, thừa kế, giấy tờ tùy thân… cho người tham dự.
Lương Hợp