1. Đình Long Bình
Đình Long Bình tọa lạc trên một gò đất cao, được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ tỏa bóng xanh mát. Hiện nay, chưa biết chính xác Đình Long Bình được thành lập từ năm nào tuy nhiên theo Ban Quý tế Đình Long Bình và căn cứ vào thời gian lập làng thì Đình Long Bình được thành lập từ khá sớm, tên đình gắn với tên làng Long Bình, tỉnh Gia Định xưa.
Trải qua thời gian dài, kiến trúc đình đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng về tổng thể vẫn giữ được nét đặc trưng của kiến trúc đình làng Nam Bộ. Đình Long Bình được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố, mái lợp ngói, gồm các công trình Võ ca, Tiền điện, Chính điện, Hậu sở, các miếu thờ, Đài tưởng niệm Liệt sĩ. Đình thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, ngoài ra còn phối tự thờ các vị thần linh gắn liền với đời sống của cư dân, các anh hùng dân tộc, những người có công với làng, nước tạo nên sự đa dạng và phong phú trong tín ngưỡng thờ cúng tại đình. Lễ hội chính của đình là Lễ Kỳ Yên diễn ra vào ngày 15, 16, 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Đây là dịp lễ để bà con, bá tánh thập phương đến đình thắp hương, dâng lễ vật lên Thần, tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã có công khai phá lập thôn làng, thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Bên cạnh giá trị về văn hóa, đình còn mang giá trị về lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đình Long Bình là cơ sở cách mạng, là nơi che chở, nơi trú ẩn, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng của quân và dân Long Bình, tỉnh Gia Định nói riêng của quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nói chung nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, đình là một trong những nơi để quần chúng tiếp tế lương thực, hậu cần,… cho cán bộ chiến sĩ của vùng và của địa phương, điều này cho thấy ngôi đình vừa mang nét văn hóa đặc sắc chung của những ngôi đình Việt, vừa mang nét đẹp riêng của một ngôi đình Nam Bộ.
Đình Long Bình là cơ sở tín ngưỡng dân gian và là địa điểm tham quan về lịch sử truyền thống yêu nước, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay. Đình tọa lạc tại địa chỉ số 1097 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức.

Đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (thứ hai từ trái sang) và đồng chí Bùi Văn Phúc, Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức trao Bằng
và tặng hoa chúc mừng UBND phường Long Bình và Ban Quý tế đình Long Bình
2. Đình Long Hòa:
Theo các cụ cao niên và Ban Quý tế Đình Long Hòa, đình được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XIX. Tên Đình Long Hòa được đặt theo tên gọi của làng Long Hòa, tổng Long Vĩnh Hạ, tỉnh Gia Định.
Hiện nay Đình Long Hòa tọa lạc trong khuôn viên rộng, thoáng mát với những hàng cây sao, cây dầu. Mặt bằng tổng thể Đình Long Hòa gồm: cổng đình, sân đình, bình phong tiền, miếu Ngũ Hành, miếu Chúa Xứ, bệ thờ Thần Nông, võ ca, chính điện, hậu sở, đài tưởng niệm liệt sĩ.
Trải qua hơn trăm năm, kiến trúc đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa tuy nhiên tổng thể kiến trúc Đình Long Hòa vẫn mang nét tương đồng so với các ngôi đình làng trên địa bàn Thủ Đức nói riêng và đình làng truyền thống Nam Bộ nói chung với chính điện được xây kiểu tứ trụ với bốn cột cái đúc bê tông, xung quanh đắp hình tượng rồng quấn quanh. Bốn cột này đỡ lấy bộ khung cũng được đúc bằng bê tông, phía trên là dàn rui mè gỗ, mái lợp ngói.
Đình Long Hòa thờ chính là Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị Thần bảo hộ của làng. Đình còn thờ Tả ban, Hữu ban; Tiền hiền, Hậu hiền, Cẩm địa...những người đã có công xây dựng và phát triển làng hoặc các vị Thần gắn liền với đời sống của cư dân người Việt như Thần Nông, Chúa Xứ. Lễ hội chính trong năm là Lễ Kỳ Yên diễn ra vào ngày 15, 16 tháng 11 âm lịch, các nghi thức cúng được thực hiện theo nghi thức cúng cổ truyền của các đình làng Nam Bộ. Tại đình vẫn giữ gìn truyền thống cúng Khai sơn vào ngày 7/01 (âm lịch) đây là hoạt động mang ý nghĩa khai hoang.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Long Hòa là cơ sở cách mạng, là nơi để nhân dân tiếp tế lương thực cho cách mạng, là nơi hội họp, trú ẩn của các đồng chí cán bộ, chiến sĩ, du kích, lực lượng Thanh niên Tiền phong xã Long Thạnh Mỹ.
Đình Long Hòa hiện do Ban Quý tế đình quản lý, chăm sóc và cùng với nhân dân phường Long Thanh Mỹ giữ gìn, xây dựng đình ngày càng khang trang, tôn nghiêm. Ngày nay Đình Long Hòa là địa điểm lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử của một ngôi đình làng truyền thống Nam Bộ, là địa điểm được các ban ngành, đoàn thể địa phương sử dụng làm nơi hội họp, vận động, tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật nhà nước, là địa điểm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tinh thần dân tộc, lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đình tọa lạc tại địa chỉ số 654 đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Đức (thứ 2 từ trái sang) và đồng chí Nguyễn Thị Bé Hai, Trưởng Ban Tuyên Giáo và Dân vận Thành ủy Thủ Đức trao Bằng,
tặng hoa chúc mừng UBND phường Long Thạnh Mỹ và Bàn Quý tế đình Long Hòa
3. Đình An Khánh:
Hiện nay, chưa tìm được tài liệu ghi rõ Đình An Khánh chính thức được xây dựng năm nào, song theo lời kể của Ban Quý tế đình và niên đại Mậu Ngọ (1858) hoặc (1918) đề trên hai bức hoành phi treo ở chính điện thì có thể đoán định ngôi đình được xây dựng khoảng nửa cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX.
Trải qua nhiều thăng trầm và đổi thay, ngôi đình đã được trùng tu, phục dựng và khánh thành vào ngày 28 tháng 4 năm 2023.
Đình An Khánh hiện hữu tọa lạc tại phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, giữa khu công viên bờ sông Sài Gòn, xung quanh là hàng rào cây xanh. Vật liệu xây dựng đình gồm có là gạch, đá, sắt thép, xi măng, gỗ, ngói. Toàn bộ gỗ ở đình đều thuộc hàng danh mộc.
Ngôi điện thờ được xây dựng trên cấp nền cao uy nghi, với hai nếp nhà tiền điện và chính điện. Nếp nhà tiền điện có kiểu kiến trúc ba gian và nếp nhà chính điện có kiến tứ trụ - kiểu kiến trúc điển hình của ngôi đình làng Nam bộ. Mái tiền điện và chính điện lợp ngói ống, đường bờ nóc các mái trang trí tượng lưỡng long tranh châu chất liệu gốm. Cột đình có đường kính là 35 - 40 - 50cm; to nhất là tứ trụ, cột có đường kính 50 cm. Ba lối cửa ra vào ở tiền điện và chính điện đều được lắp cửa bức bàn, gồm 3 bộ cửa, mỗi bộ 6 cánh được lắp ghép lại với nhau bằng các cối quay. Trên bề mặt cửa, các thanh kèo, trính chạm khắc hoa văn trang trí mỹ thuật.
Việc thờ cúng ở Đình An Khánh cũng giống như các ngôi đình ở Nam bộ. Nhân vật được thờ cúng chính là Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, khám thờ Thần được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong chính điện. Hai bên khám thờ Thần là khám thờ Tả Ban, khám thờ Hữu Ban; cặp lọng bằng vải nhung đỏ thêu long – lân – quy – phụng; cặp tượng hạc rùa; tượng Bạch Mã, tượng Hồng Mã. Khám thờ Thần, khám thờ Tả Ban, khám thờ Hữu Ban là các tác phẩm mỹ thuật chạm khắc tỉ mỉ đề tài lưỡng long tranh châu, hoa văn chữ Thọ, con lân, chim muông, dây hoa lá. Tại vị trí bàn thờ Thần, theo trục dọc, hướng từ trong ra ngoài, có bàn hương án để sắp lễ vật dâng cúng Thần, phía ngoài là bàn thờ Hội đồng nội. Nội thất tiền điện bài trí bàn Hội đồng hương, bàn thờ Phật, bàn thờ Hội đồng ngoại. Hai bên bàn Hội đồng hương là bàn thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, bàn thờ Quan Thánh Đế Quân. Sát hai bên vách, theo hướng từ trong ra ngoài, bên trái là bàn thờ Bạch Mã Thái Giám, bàn thờ Cửu Thiên Nhật Nguyệt; bên phải là bàn thờ Tiên sư, bàn thờ Chiến sĩ trận vong.
Các đồ vật thờ tự được gìn giữ cẩn thận, bài trí tôn nghiêm ở tiền điện và chính điện, là những hiện vật quý báu gắn với lịch sử của Đình An Khánh, góp phần phát huy tinh hoa của ngành nghề truyền thống Việt Nam như nghề mộc với các hoa văn chạm khắc tinh vi trên bao lam, khám thờ, hoành phi, liễn đối, bài vị; nghề đúc đồng với các lư đồng, chân đèn, bộ binh khí.
Lễ Kỳ yên Đình An Khánh diễn ra vào ngày 15, 16, 17 tháng 11, Â.L hàng năm. Lễ Kỳ Yên là dịp cư dân địa phương cùng bá tánh thập phương trở về thắp hương, dâng lễ vật lên Thần, tưởng nhớ các bậc Tiền bối đã có công khai hoang, mở đất, lập thôn làng, giữ gìn cho chúng ta đến hôm nay, phát huy sâu sắc tinh thần uống nước nhớ nguồn - tinh thần quý báu muôn đời của nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức (bìa trái) và đồng chí Kiều Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức trao Bằng,
tặng hoa chúc mừng UBND phường Thủ Thiêm và Ban Quý tế đình An Khánh.
PHÒNG VĂN HÓA – THỂ THAO VÀ DU LỊCH TP. THỦ ĐỨC