Ngày 14 tháng 02 năm 2025, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống lắp đặt tương tự - QCVN 25:2025/BKHCN. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2025. Lộ trình áp dụng kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2027, tất cả các thiết bị điện quy định tại Phụ lục A và Phụ lục B của QCVN 25:2025/BKHCN phải đáp ứng các quy định tại QCVN 25:2025/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị điện áp dụng QCVN 25:2025/BKHCN kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Cụ thể:
- Phạm vi điều chỉnh
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định các yêu cầu về an toàn và quản lý đối với các thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đinh và hệ thống điện tương tự được quy định trong các Danh mục tại Phụ lục A và Phụ lục B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.
- Phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật này chỉ bao gồm các loại thiết bị điện được thiết kế đề lắp đặt trong hệ thống phân phối điện đến 440 V xoay chiều của các công trình dân dụng.
- Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
- Giải thích từ ngữ
Theo mục 1.3 của QCVN 25:2025/BKHCN giải thích rõ một số từ ngữ: “Thiết bị điện dùng cho lắp đặt diện trong gia đình và hệ thống điện tương tự: Thiết bị điện được thiết kế để lắp đặt trong hệ thống phân phối điện xoay chiều của các công trình dân dụng như nhà ở, cửa hàng, công trình công cộng”.
- Quy định về kỹ thuật: Nội dung cụ thể xem tại mục 2 của QCVN 25:2025/BKHCN.
- Một số quy định về quản lý
- Thiết bị điện sản xuất trong nước phải được công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này và được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
- Thiết bị điện nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này và được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
- Công bố hợp quy cho thiết bị điện phải dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định.
- Tổ chức chứng nhận xem xét và thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp do các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài đã được Việt Nam thừa nhận trong khuôn khổ các hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau mà Việt Nam đã ký kết.
- Định kỳ mỗi quý, tổ chức chứng nhận phải gửi báo cáo về việc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp đến ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia để theo dõi và quản lý. Khi cần thiết Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra việc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp.
- Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
a) Trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp
- Thực hiện đánh giá sự phù hợp theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo về kết quả hoạt động đánh giá chứng nhận hợp quy đến Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia theo các quy định hiện hành.
- Phải lưu trữ hồ sơ đánh giá sự phù hợp ít nhất mười (10) năm kể từ ngày hết hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đối với phương thức 1 và phương thức 5 và từ ngày phát hành của giấy chứng nhận đối với phương thức 7.
b) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
- Cung cấp cho tổ chức chứng nhận các tài liệu kỹ thuật của thiết bị điện để phục vụ cho việc thử nghiệm điển hình và chứng nhận hợp quy khi cỏ yêu cầu.
- Cung cấp cho tổ chức chứng nhận các thông tin để thể hiện trên giấy chứng nhận như tên nhà sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất và các thông số danh định của sản phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này.
- Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị điện thuộc phạm vi quy định tại Điều 1.1.
- Đảm bảo các thiết bị điện được sản xuất, nhập khẩu và đưa ra lưu thông trên thị trường phải có kết cấu, linh kiện và chất lượng phù hợp với hồ sơ đã công bố
hợp quy.
- Thông báo đến tổ chức chứng nhận khi có thay đổi thiết kế trên sản phẩm đã được chứng nhận.
- Đảm báo các thiết bị điện phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
- Thu hồi các thiết bị điện đã lưu thông trên thị trường và chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật khi phát hiện hàng hóa không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật và gây mất an toàn do lỗi của nhà sản xuất, kinh doanh.
- Tổ chức, cá nhân, thực hiện công bố hợp quy, phải lưu trữ hồ sơ công bố hợp quy và hồ sơ kỹ thuật của thiết bị điện đã được công bố hợp quy ít nhất mười (10) năm kể từ ngày công bố hợp quy.
c) Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước được quy định tại Điều 17 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, khoản 6 Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Điều 14 Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN ngày 10 tháng 12 năm 2020.
(Đính kèm Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị điện dùng cho lắp đặt điện trong gia đình và hệ thống lắp đặt tương tự”)